Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Vạ thơ


                                                 

  Vào cái buổi trưa hè oi ả ấy, tôi đang chăm sóc chú chim chào mào mới bẫy được thì thằng Tâm sún hớt hải chạy đến. Nó vừa nói vừa thở:
  - Đã có người mua nhà bà cụ Sinh rồi mày ạ. Họ đang dọn đến đấy. Mau tới đó xem đi.
  Tôi vội vàng treo chiếc lồng chim lên cành nhãn trước sân rồi chạy theo thằng Tâm sún.
  Nhà cụ Sinh ở tận cuối làng, gần dãy núi Đá Xanh. Cụ sống độc thân, cứ lẩm cẩm suốt ngày nhưng tốt bụng lắm. Lũ trẻ chúng tôi hay lẻn vào vặt trộm ổi trong vườn nhà cụ. Mỗi lần bắt được quả tang cụ chỉ tru tréo lên một tẹo:
  - Cha tổ chúng bay, đừng có mà làm gẫy cành của tao đấy nhớ ! Rồi cụ để mặc chúng tôi bỏ chạy.
  Hôm ấy thằng Tâm sún phát hiện có buồng chuối chín trong vườn. Nó hẹn chúng tôi sau buổi học rẽ vào “xin trộm” vài quả.
  Y hẹn cả bọn nấp ở ngoài cổng, chờ mãi không thấy bóng dáng bà cụ ra vào như mọi khi nên chúng tôi bảo nhau men hàng rào vào vườn. Bỗng tôi nhìn thấy bà cụ nằm bất động bên bờ giếng, mặt úp xuống vũng máu đã đọng khô trên đất. Tôi sợ hãi kêu toáng lên rồi cả bọn ù té chạy bán sống bán chết. Người ta bảo cụ bị ngã, đập đầu vào thành giếng.
  Đứa cháu duy nhất của cụ ở thành phố về lo tang lễ xong rồi treo biển bán nhà.
Cái biển cứ treo mãi, chẳng thấy ai hỏi han gì. Còn căn nhà thì ngày càng xuống cấp, vườn tược tiêu điều dần.
  Bọn học trò “nhất quỷ nhì ma...” như chúng tôi mỗi lần đi qua còn thấy sởn gai ốc, vậy mà cũng có người mua ư? Chắc họ không phải người vùng này...
  Hai đứa chúng tôi vừa đi vừa đoán già đoán non thì - kìa, trước cổng nhà cụ Sinh đã có đủ mặt lũ trẻ trong làng, đang tò mò, ngó nghiêng.
  Cái gia đình mới đến này cũng chẳng khá giả gì hơn nhà cụ Sinh. Đồ đạc toàn những thứ tầm tầm, cũ kĩ: một cái giường dẻ quạt mọt chân, một cái phản cũ mốc thếch, một bộ bàn ghế gỗ tự tạo nham nhở, cục mịch, rồi nồi xoong, bát đĩa...trăm thứ bà rằn được chứa trong hai cái thúng sứt cạp. Bên cạnh cửa ra vào chất mấy cái tải to đựng chăn màn, quần áo thòi cả ra ngoài. Tôi liếc nhìn một lượt chỉ thấy có mỗi chiếc hòm gỗ là đáng giá, hẳn toàn bộ của quý được đựng trong đó.
  Gia đình họ có ba con. Đứa trai cả có lẽ chạc tuổi tôi. Hai đứa sau là gái, cái bé út cứ khóc đòi “măm măm” luôn mồm. Bà vợ người cũng cũ kĩ như đống đồ đạc. Bà vừa cầm cái chổi dài quét sân, vừa gườm gườm canh chừng chúng tôi. Hình như bà sợ chúng tôi đánh cắp cái gì đó trong đống của nả của bà. Riêng ông chủ thì hoàn toàn khác. Với vóc dáng cao gầy, thanh tao và mái tóc quăn tự nhiên bềnh bồng lượn sóng, ông như lạc lõng giữa vợ con và đống đồ đạc.
  Thấy lũ trẻ chúng tôi cứ đứng trố mắt ra đấy, ông thân thiện vẫy tôi:
  - Này, các chú mày, vào đây giúp ta một tay. Không hiểu tại sao lúc ấy tôi cảm thấy hãnh diện đến thế. Tôi kéo tay thằng Tâm sún đến trước vị chủ nhà mới. Ông ấy chỉ vào cái hòm, bảo:
  - Nhờ hai chú mày khuân nó đặt lên cái ghế kia giúp ta.
  Chẳng biết trong hòm có những gì mà nặng như cái cùm. Hai đứa tôi khệ nệ cố sức nâng nó đặt lên ghế thì bất thần nó đổ nghiêng ra, trút xuống đất toàn sách vở, giấy tờ. Tôi hoảng quá cuống cả chân tay nhưng ông chủ chỉ mỉm cười rồi nhẹ nhàng an ủi:
  - Không sao, sách vở có vỡ được đâu mà sợ. Nhưng toàn là sách văn thơ cả đấy. Hay lắm. Khi nào rảnh cứ đến đây ta sẽ cho thưởng thức.
  Từ trong sâu thẳm lòng tôi bỗng nảy sinh một tình cảm tin yêu, quý mến với người chủ mới của cái cơ ngơi cũ nát này.
  Người ta gọi ông là thầy Trình. Nghe nói trước đây ông là giáo viên cấp hai nhưng vì cái tội hay làm thơ tình, mà thơ lại cứ buồn buồn, sợ ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng học sinh, nhà trường không bố trí cho ông dạy học nữa. Bị chuyển sang làm văn thư nên ông bất mãn, bỏ việc.
  Chúng tôi cũng gọi ông là thầy. Đang được nghỉ hè nên tôi hay rủ các bạn đến nhà thầy chơi, hộ thầy vài ba việc vặt còn thầy thường giúp chúng tôi giải những bài toán khó, hướng dẫn làm các bài văn. Thầy giảng thật hấp dẫn và dễ hiểu. Nhờ có thầy kèm cặp, chúng tôi học tiến bộ trông thấy. Thầy Trình đã thực sự trở thành người thầy giáo tốt của chúng tôi.
  Những đêm sáng trăng, chúng tôi hay tụ tập nghe thầy đọc thơ. Thầy đặc biệt yêu thích những bài thơ tình của Xuân Diệu. Ngày ấy chúng tôi còn ngây ngô chưa biết yêu là gì nên đâu hiểu được ý nghĩa của những câu thơ. Song, nhìn dáng vẻ trịnh trọng, say sưa của thầy, chúng tôi tin chắc rằng đó là những câu thơ hay nhất trần đời.
  Thầy là người rất tài hoa, không những làm thơ hay mà còn giỏi kẻ vẽ, viết chữ nho, sửa chữa đài điện, thậm chí còn biết lái cả công nông, máy kéo.
  Có lần, chiếc máy cày của hợp tác xã bị hỏng, nằm phơi mình ngoài cánh đồng hàng tuần lễ. Ban quản trị đón thợ về sửa chữa nhưng không tìm ra bệnh, phải bó tay. Thấy thế, thầy đề nghị:
  - Để tôi thử xem sao.
  Chưa đầy một buổi sáng, thầy đã phát hiện được chỗ hỏng hóc và máy lại hoạt động ầm ầm. Mừng quá, hợp tác xã thưởng cho thầy 20 kg gạo.
  Rồi một lần khác, chiếc đài bán dẫn của hợp tác xã dùng để nghe dự báo thời tiết bỗng dưng bị hỏng. Ông phó chủ nhiệm mời thợ trên phố về sửa. Cơm bưng, nước rót cho thợ hai ngày mà máy vẫn hoàn câm. Khi tìm đến thầy thì thầy vẫn khiêm nhường: “Để tôi thử xem sao”. Và thầy đã “thử” thành công: chiếc đài lại oang oang cất tiếng.
  Trong thời điểm chiến tranh ác liệt, đâu đâu cũng quán triệt khẩu hiệu:
                “Gạo không thiếu một cân/ Quân không thiếu một người”
  Những lớp trai tráng quê tôi lần lượt lên đường nhập ngũ. Biết thầy là người hay thơ nên các cô gái trong làng thường nhờ thầy làm thơ kỉ niệm bạn trai lên đường ra tiền tuyến. Thông cảm với nỗi lòng của đôi lứa, thầy vui vẻ nhận giúp. Nhưng không may, có một bài thơ lại lọt vào tay cán bộ. Thầy bị gọi lên trụ sở ủy ban xã. Bài thơ bị đưa ra chất vấn, trong đó đại loại có những câu:
                “...Nhớ ơi, sao nhớ cồn cào/ Cố vui sao lệ tuôn trào tim đau
                    Phải xa lòng chẳng rời nhau/ Bao giờ Ô Thước bắc cầu để sang?...”
  Người ta quy cho thầy cái tội tuyên truyền không công cho địch, làm nản lòng chiến sĩ, làm giảm sút ý chí tiến công, v.v...
  Không hiểu thầy đã lí sự ra sao mà bị giam mất một tuần. Khi vợ con tất tả mang cơm tiếp tế, thầy hồn nhiên bảo:
  - Nhà nó và các con cứ yên tâm, tôi ở đây vẫn ổn. Chỉ tiếc là không có cây bút với quyển sổ để làm thơ khỏi phí thời gian. Nghe đến đây, vợ thầy mếu máo rồi tru tréo lên:
  - Ối giời ơi là giời, người ta bảo nhất nhật tại tù, thế mà ông lại thích ở tù để làm thơ ư? Ông dở hơi mất rồi!
  Biết chuyện, tôi thương thầy quá, vội xé mấy tờ giấy trong vở học cuộn vào cây bút chì rồi tìm cách nhét qua khe liếp cho thầy. Không ngờ, việc làm của tôi lại hại thầy. Người ta phát hiện thầy vẫn “sản xuất” thơ, không chịu hối cải lỗi lầm nên tiếp tục bị giam thêm một tuần lễ nữa và cấm tiệt không cho gặp người nhà.
  Trong thời bao cấp, cuộc sống của người dân quê tôi nói riêng và cả nước nói chung đều khó khăn, gian khổ nhưng với gia đình thầy, cái khó, cái khổ còn tệ hại hơn nhiều vì năm miệng ăn trong nhà chỉ chủ yếu trông chờ vào đôi vai chợ búa tần tảo của vợ thầy. Còn thầy, mặc dù tài hoa đấy nhưng cũng chỉ có thể kiếm tiền vào các dịp lễ tết. Thầy viết câu đối trên giấy hồng điều rất tuyệt. Thầy vẽ tranh ông công ông táo, con lợn, con gà trên giấy gió thật khéo, bắt mắt mọi người nên hầu như ai qua hàng của thầy cũng mua một vài tờ về treo tết cho vui cửa, vui nhà. Món tiền kiếm được đã giúp gia đình thầy tạm ung dung trong mấy ngày tết để tiếp đón các bạn thơ của thầy. Vào những dịp như thế, thầy hay gọi tôi đến cùng với Tùng - con trai thầy, hầu trà, rượu cho khách.
  Khi an nhàn cùng khách, tôi thấy thầy như lột xác thành một người khác: lịch lãm, trẻ trung và hóm hỉnh nữa. Tôi cứ ước có thật nhiều ngày vui như thế để thầy tôi đỡ khổ.
  Nhưng có một cái tết nhà thầy đóng cửa im ỉm. Tôi tưởng thầy ốm đến thăm thì nghe vợ thầy rền rĩ, trách móc trong nhà. Hóa ra không phải thầy ốm. Tết ấy thầy cũng kiếm được khá nhiều tiền nhưng trên đường về nhà, gặp bà cụ ăn mày, động lòng trắc ẩn, thầy móc túi lấy tiền biếu bà cụ. Chẳng may bọn lưu manh nhìn thấy, chúng xông vào cướp hết tiền bạc còn xô thầy ngã đập đầu xuống đường.Từ đó thầy sinh ra lẩn thẩn, suốt ngày cứ lẩm nhẩm đọc thơ.
  Thời gian trôi đi, lớp chúng tôi như đàn chim tung cánh khắp bốn phương trời. Nhiều đứa đã trưởng thành, đỗ đạt. Tôi cũng đã có vợ con, làm việc và sinh sống ở xa quê hương. Tết năm ấy tôi bố trí về thăm nhà. Vẫn nhớ thầy Trình, tôi chuẩn bị ít quà đến chúc tết thầy nhưng thật bất ngờ: Trên nền nhà rách nát khi xưa nay mọc lên một ngôi hai tầng khang trang quá. Tôi đang đứng phân vân trước cổng thì một vị ăn mặc lịch sự có phần chải chuốt từ trong nhà đi ra. Một phút ngỡ ngàng sau bao năm xa cách, chúng tôi đã nhận ra nhau. Tùng - con trai của thầy xúc động nắm chặt tay tôi dẫn vào nhà. Sau khi dâng nén hương thơm lên ban thờ thầy, Tùng kéo tôi ra bàn nước rồi chậm rãi kể:
  - Ông cụ nhà mình bị chấn thương sọ não từ cái ngày bị bọn cướp tiền xô ngã. Cụ quên hết mọi chuyện, duy chỉ có thơ là vẫn nhớ. Cụ cứ lang thang bảo là đi gặp bạn thơ rồi chẳng may va vào cái xe đầu ngang đầu dọc gì ấy.Khi từ giã cõi đời này, trên tay ông cụ vẫn còn nắm chặt một tờ thơ, và trong túi áo ngực vẫn thường trực một cây bút bi. Nửa năm sau, mẹ mình buồn phiền, đổ bệnh rồi qua đời.
  Mình hiện đang làm ăn bên Nga. Hai cô em đều đã trưởng thành. Vật chất bây giờ đã đầy đủ nhưng những kỉ niệm về một thời khốn khó vẫn luôn ám ảnh. Mình quyết định xây căn nhà này làm nơi thờ tự. Hàng năm, anh em, con cháu quần tụ về đây xem như một sự tri ân, an ủi vong linh các cụ - thế hệ cả một đời hi sinh,nhọc nhằn lo bát cơm manh áo nuôi đàn con khôn lớn nên người.
  Rồi bất chợt Tùng đứng dậy, đôi mắt xa xăm mà lấp lánh - hệt như đôi mắt của thầy khi thả hồn vào thơ. Tùng nói:
  - Cậu biết không, đợt này về nước, mình quyết định đi tìm gặp bạn bè và những người quen biết ông cụ để sưu tầm những bài thơ mà ông cụ đã mê mẩn sáng tác trong khắc khoải, yêu thương và bất hạnh.
  Tôi đã thực sự vui sướng khi được trao lại cho Tùng những tác phẩm của thầy sau bao năm lưu giữ.
  Nhờ được sự nhiệt tình giúp đỡ của những người từng quý mến thầy, chưa đầy một năm sau, Tùng đã hoàn thành tập thơ Di Cảo của cha mình với tựa đề có phần ngồ ngộ: VẠ THƠ.
  Ngày giỗ thầy năm ấy tôi cũng có mặt, chứng kiến lễ dâng tập thơ - niềm khát vọng cả cuộc đời thầy - nay đã thành hiện thực.
  Để tưởng nhớ và tỏ lòng ngưỡng mộ một hồn thơ, một người thầy, tôi kính cẩn dâng thầy mấy câu thơ như sau:
          Người hiện về từ trang di cảo    
         Tóc như mây Non Tản bềnh bồng
          Hồn thơ còn quặn thắt thương tâm
         Tự lòng đã dấn thân làm thi sĩ

        Thì chút ấy có gì đáng kể
        Gọi cay đắng về làm tri kỉ
       Gạn đau đời thành vị nhâm nhi

         Và nhủ thầm: hãy cứ uống đi
          Là tinh túy - những gì chưng cất
        Người say thường nói những điều chân thật
        Chất men đời bỗng bật thành thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét