Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Tấm hình ngày cưới


Đây tấm hình xưa
Em với anh
Bốn mươi năm
Mình lại gặp mình
Má thắm môi hồng thời xuân sắc
Kỷ niệm còn đây, lúc tuổi xanh
Bốn mươi năm
Em với anh
Gắn bó đời nhau, trọn cuộc tình
Chia ngọt sẻ bùi cùng năm tháng
Uống cạn đắng cay kiếp nhân sinh!

Rút ruột nhả tơ
Dệt bình minh
Tơ rối, ruột đau
Dệt chẳng thành
Vẫn biết cuộc đời là bể khổ
May vẫn còn nhau lúc tàn canh!

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Tình khúc đêm

                   Đêm !
                   Đêm dấu đi những điều hay - dở
                   Nụ cười nào
                   Trong hơi thở của đêm?
                   Giọt lệ nào
                   Đẫm ướt cánh tay mềm?
                   Đêm!...
                   Thảng thốt nghe con tim rạn vỡ!
                   Đêm!...
                   Gom tiếng thở dài cho nỗi nhớ
                   Đêm!
                   Xóa nhòa mái ngói với lều tranh
                   Và đêm ru giấc ngủ yên lành
                   Cho ngày mới bắt đầu
                   Từ đêm...
                   Lặng lẽ!         

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

TẢN MẠN THỊ MẦU



                                Mắt em cháy cả chợ chiều
                                Hóa vàng quang gánh nói điều đong đưa
                                Thị Mầu một thuở đã xưa
                                Nay thời mở cửa bán mua mặc lòng...
                                Bướm ong thì mặc bướm ong
                                Chỉ thương cái kén nằm trông mà buồn

Mượn áo


                      Tích xưa quạ mượn áo công
                     Khoác vào cứ ngỡ mình không là mình
                     Hội làng mở giữa sân đình
                     Áo theo lối gió nguyên hình quạ khoang
                     Trở về thân phận bẽ bàng
                     Múa làm sao được mơ màng mà chi

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Vạ thơ


                                                 

  Vào cái buổi trưa hè oi ả ấy, tôi đang chăm sóc chú chim chào mào mới bẫy được thì thằng Tâm sún hớt hải chạy đến. Nó vừa nói vừa thở:
  - Đã có người mua nhà bà cụ Sinh rồi mày ạ. Họ đang dọn đến đấy. Mau tới đó xem đi.
  Tôi vội vàng treo chiếc lồng chim lên cành nhãn trước sân rồi chạy theo thằng Tâm sún.
  Nhà cụ Sinh ở tận cuối làng, gần dãy núi Đá Xanh. Cụ sống độc thân, cứ lẩm cẩm suốt ngày nhưng tốt bụng lắm. Lũ trẻ chúng tôi hay lẻn vào vặt trộm ổi trong vườn nhà cụ. Mỗi lần bắt được quả tang cụ chỉ tru tréo lên một tẹo:
  - Cha tổ chúng bay, đừng có mà làm gẫy cành của tao đấy nhớ ! Rồi cụ để mặc chúng tôi bỏ chạy.
  Hôm ấy thằng Tâm sún phát hiện có buồng chuối chín trong vườn. Nó hẹn chúng tôi sau buổi học rẽ vào “xin trộm” vài quả.
  Y hẹn cả bọn nấp ở ngoài cổng, chờ mãi không thấy bóng dáng bà cụ ra vào như mọi khi nên chúng tôi bảo nhau men hàng rào vào vườn. Bỗng tôi nhìn thấy bà cụ nằm bất động bên bờ giếng, mặt úp xuống vũng máu đã đọng khô trên đất. Tôi sợ hãi kêu toáng lên rồi cả bọn ù té chạy bán sống bán chết. Người ta bảo cụ bị ngã, đập đầu vào thành giếng.

Chuyện tình nhẫn cỏ



Đêm Valentine
Chàng trai nghèo tặng người yêu nhẫn cỏ
Nàng quay đi:
Vật đó đáng gì!
...Đêm lặng lẽ
Nhẫn cỏ rơi lặng lẽ
Bẽ bàng cho một mối tình si!
Năm tháng mang niềm ân hận tái tê
Người con gái tìm về nhẫn cỏ
Trái tim yêu
Vẫn đong đầy nỗi nhớ
Nhưng người xưa đã mãi xa rồi
Giọt lệ buồn rớt xuống vạt cỏ non
Cỏ bỗng hóa kim cương lấp lánh
...Họ gặp nhau trong đêm lễ Thánh
Nhẫn cỏ
Thành vòng nguyệt quế lung linh.

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Tập thơ "Tiếng thầm"

Tập thơ được xuất bản 2011

Tập thơ "Nắng chiều"

Tập thơ được xuất bản năm 2009

Trái tim dũng cảm


  Năm ấy Tâm mười tuổi. Em học trường nội trú của huyện. Nhà em ở bên kia núi, cách trường nửa ngày đường. Phiên chợ nào mẹ cũng đến thăm và mang cho em những ống cơm lam thơm phức mùi nếp nương.
        Nhưng bẵng đi mấy phiên chợ, không thấy mẹ, Tâm buồn lắm. Một hôm có người cùng bản báo tin mẹ Tâm ốm nặng.
        Đêm ấy trăng rất sáng, trăng rọi vào cửa sổ, em không sao ngủ được. Em thương mẹ nước mắt cứ trào ra ướt cả gối. Em nghĩ chắc mẹ đang mong nhớ mình rất nhiều. Nếu đợi đến mai mới về, nhỡ không còn gặp được mẹ!
        Thế là Tâm trở dậy, rón rén mở cửa phòng. Chỉ loáng một cái em đã đi qua thị trấn, rẽ vào con đường rừng về nhà. Rừng âm u, đêm thanh vắng. Bỗng tiếng chim lợn cất lên éc ... éc...! làm em sởn gai ốc. Tâm nhớ có lần bà ngoại bảo: Chim lợn kêu là điềm gở, báo hiệu một linh hồn sắp lìa khỏi xác! Em hốt hoảng cởi dép cầm tay vừa chạy vừa gọi: Mẹ ơi! mẹ ơi !
         Cây cối cảnh vật bên đường thi nhau chạy ngược chiều, tạo nên những âm thanh rờn rợn. Những tảng đá lớn ẩn hiện như bóng người khổng lồ rình rập... Trái tim bé bỏng của em đã thót lại bao lần, song tình yêu đối với mẹ còn lớn hơn nỗi sợ. Em vẫn can đản bước tiếp.
          Nhưng rồi điều tệ hại nhất mà em vẫn nơm nớp lo âu đã đến: Dưới ánh trăng suông, khu nghĩa địa chập chờn hiện ra. Những ngôi mộ như những quan tài xếp dọc, ngang sát bên đường làm em hết hồn. Ánh sáng lân tinh thỉnh thoảng lại loé lên nhảy múa, lúc gần lúc xa. Cả tiếng cú ăn đêm rúc lên từng hồi ghê rợn nữa...Tất thảy đều hùa nhau doạ em. Em như mê đi, chân tay bủn rủn chỉ muốn khuỵu xuống.

Quà tặng mùa xuân


Những chiếc lá cuối cùng đã bị ngọn gió heo may cuối vụ bứt đi. Cây đào già trước ngõ chỉ còn trơ lại cái thân trần trụi, mốc thếch với những cành khẳng khiu khô khốc.

          Mùa đông đến, gió bấc cứ rít lên từng hồi, quật vào thân cây còm cõi, nó vẫn đứng đó ngả nghiêng chịu trận.
          Lũ trẻ trong ngõ thấy tội nghiệp nó nên đặt tên là “Bác đào già”.
Bỗng một ngày cái ấm áp của buổi sớm mai đã làm bác đào già tỉnh giấc. Dưới lớp vỏ phồng rộp, sần sùi mạch nhựa sống lại trào dâng, lan toả. Từ cành khô trơ trụi, những mầm lộc biếc bắt đầu nhú lên lóng lánh dưới ánh mặt trời. Từ nách lá đã đơm đầy những nụ hoa tròn xinh như những chiếc khuy áo tàu hồng hồng, trông thật đáng yêu. Bầy chim én bay ngang, ngỡ ngàng chao nghiêng đôi cánh. Lũ ong thợ bắt đầu dập dìu tìm về làm mật...
          Bác đào già cô đơn lặng lẽ ngày nào bỗng thấy mình cao sang, rực rỡ dưới nắng xuân dịu dàng, ấm áp.
          Ôi! mùa xuân!
          Mùa xuân !

Bài ca bất tử


  Mùa xuân. Những tia nắng ấm mỏng như tơ phủ nhẹ lên vạn vật. Những cơn gió dữ dằn đã ngao du hết mùa đông, nay trở nên dịu dàng lướt lên hoa lá, mang theo hương xuân lan toả khắp không gian,

         Ven vùng hồ rộng, những chú chim chích bông bé xíu đua nhau nhảy nhót trên cành. Đâu đó trong vòm cây lại vang lên giọng hót của lũ chim chiền chiện như hoà nhịp cùng đàn én xuân chao liệng trên không.
         Nổi bật trên mặt hồ trong xanh như ngọc là sắc trắng tinh khôi của đôi chim thiên nga. Chúng bồng bềnh bên nhau, im lặng tận hưởng hạnh phúc mà thiên nhiên ban tặng.
         Chợt tiếng súng xé toạc không gian yên tĩnh. Viên đạn ác nghiệt của kẻ săn mồi găm vào ngực nàng thiên nga xinh đẹp.
         Máu! Máu nhuộm đỏ bộ lông trắng muốt! Máu loang lổ mặt hồ!...
Sau giây phút bàng hoàng , chim bạn đã hiểu chuyện gì xảy ra. Đau đớn tuyệt vọng, nó vụt bay lên. Và không hiểu bằng sức mạnh nào đã giúp nó bật lên tiếng hót - tiếng hót duy nhất trong đời, để giải toả nỗi đau thương, uất hận. Rồi nó lao mình xuống vực thủ tiết với bạn tình.
         Ôi thiên nga!
Khí phách đã trở thành bài ca bất tử!.

Tình mẫu tử


Cá chuối sinh được một đàn con rất đông đúc. Người ta gọi lũ cá chuối con là rồng rồng. Rồng rồng ăn rất khoẻ. Mẹ vất vả cả ngày cũng không kiếm đủ cho chúng ăn. Nhìn đàn con bụng lép kẹp cứ bám theo, cá mẹ thương lắm.

          Một hôm cá mẹ bảo: Các con hãy chờ mẹ ở đây một lát. Nói rồi nó lấy đà lao vút lên bờ . Nó nằm giả vờ chết. Lũ kiến tưởng bở rủ nhau kéo đến ăn thịt. Những bộ răng khủng khiếp của chúng như những gọng kìm xiết chặt vào da thịt, cá mẹ vẫn nằm yên, cắn răng chịu đựng. Chờ cho lũ kiến bám dày đặc khắp người, cá mẹ mới cong mình nhảy tòm xuống ao.
          Thế là lũ kiến nổi thành bè trên mặt nước, rồng rồng được một bữa no nê. Nhìn đàn con thoả thuê, cá mẹ vui quên hết mọi đau đớn. Từ đó ngày nào cá mẹ cũng dùng cách này để kiếm mồi nuôi con.
          Lần ấy, cá mẹ lại dặn con rồi nhảy lên bờ, nhưng không may cho nó, lão mèo già đã nhìn thấy. Không một tiếng động lão rón rén đến bên, bất ngờ chồm tới. Hai hàm răng của lão sắc như dao, ngoạm chặt lấy đầu cá mẹ rồi phóng vào bụi rậm.
          Rồng rồng con đợi mẹ. Đợi mãi...! Chúng đâu biết: Mẹ đã không bao giờ còn trở về được nữa!
          Rất cảm kích, người đời đã truyền khẩu một câu nói xem như một sự tôn vinh đối với tình mẫu tử: “ Cá chuối đắm đuối vì con...”.

Nỗi lòng chim sơn ca



       Lần ấy Sơn ca dạt vào khu vườn của một ngôi biệt thự nọ. Nó sục sạo trên khắp các cành cây mà chẳng kiếm được chút gì.Trong cơn đói cồn cào bất chợt nó nhìn thấy một chiếc lồng xinh xắn treo dưới giàn hoa thiên lý, bên trong có chú chim cu đang nhẩn nha nhằn những hạt thóc nếp vàng óng đựng trong chiếc cốc thuỷ tinh, bên cạnh là lọ nước trong vắt.

        Mắt Sơn ca sáng lên nó ao ước: Giá mình được sống trong chiếc lồng kia thì hạnh phúc biết bao. Mình sẽ tha hồ thưởng thức những món ăn khoái khẩu mà chẳng phải làm gì cả.
        Thế là nó nhảy lên nóc chuồng cu, vươn cổ hót vang cả khu vườn.
Ông chủ ngôi biệt thự là người rất mê chim, nghe thấy tiếng hót trong trẻo, lảnh lót của Sơn ca vội chạy ra xem. Ông bước đến sát bên cạnh, Sơn ca vẫn thản nhiên hót. Ông vươn tay ra bắt, nó ngoan ngoãn nằm yên.
        Thế là từ đó Sơn ca trở thành bà chúa của khu vườn, được chủ chăm sóc, chiều chuộng hết lòng.
        Sơn ca rất mãn nguyện, nó mang hết tài năng, sức lực ra thể hiện qua giọng hót để đền đáp mua vui cho chủ.

Cái đuôi mèo


Sinh nhật tôi năm ấy dì út tặng một món quà, đó là con mèo mi mi xinh xắn. Với bộ lông trắng muốt xốp như bông, với hai mắt to, tròn màu xanh lơ và cái mũi, cái miệng màu hồng, trông nó thật đáng yêu.

Nhưng tôi yêu nhất là cái đuôi to như bông lau của nó. Những lúc tôi ngủ trưa mi mi thường phá đám bằng cách: dùng cái đuôi đó đập đập vào má, đánh thức tôi dậy để chơi với nó.
         Tôi và mi mi quấn quýt nhau như hình với bóng. Mỗi khi tôi đi học về nó thường đứng đón ở bậu cửa rồi dụi dụi cái mũi nhỏ hồng hồng vào tay tôi để nũng nịu.
         Một hôm vào ngày chủ nhật chỉ có mi mi và tôi ở nhà. Chúng tôi thoả sức nô nghịch, không sợ bị ai nhắc nhở. Vì mải đuổi theo nó nên tôi đã làm vỡ chiếc bình cổ, vật quý nhất của ông nội. Hàng ngày ông vẫn thường mang chiếc bình đó ra lau chùi ngắm nghía không biết chán.
Tôi sợ lắm. Đang chưa biết sử lý ra sao thì đúng lúc ông về . Thấy chiếc bình bị vỡ, ông lặng người đi một lúc như bị mất hồn rồi từ từ cúi xuống lượm từng mảnh vỡ tên tay. Bất ngờ ông giận dữ quát to:
- Tại sao lại thế này? Ai làm vỡ chiếc bình của ông? hoảng quá tôi ấp úng:
- Dạ..! là ... là tại con mi mi đấy ạ. Nó nhảy lên bàn làm rơi cái bình của ông xuống đất. Ông giận run lên , không nói không rằng, tiện có cái ba toong trong tay ông vụt con mi mi một cái thật mạnh. Bị bất ngờ nó chỉ kịp kêu lên một tiếng “meo” đau đớn rồi phóng ra khỏi cửa.
   Lũ chó thả rông thấy con mèo lạ liền thi nhau đuổi theo. Có một con trong bọn nó đuổi kịp liền ngoạm vào đuôi mi mi, cái đuôi đứt rời ra, con chó ngậm chặt trong mõm rồi biến mất. Trong chớp mắt cũng chẳng thấy bóng dáng con mèo đâu nữa.
   Vừa ân hận, vừa tiếc thương, tôi đã khóc rất nhiều. Mấy hôm sau có bác hàng xóm báo tin: thấy mi mi nằm rúc trong một cái hang đất dưới bờ ruộng cạn gần nhà. Mừng quá, tôi vội chạy tới thì thấy nó chỉ còn thoi thóp thở, máu từ vết thương ở đuôi đã bết cứng lại, loang lổ trên bộ lông bám đầy đất bùn của nó.

Đôi bạn


 Cu Tý và gà trống mơ là đôi bạn rất thân. Mỗi sáng chú mơ đều đến trước cửa sổ phòng cu Tý, vươn cổ cất tiếng gáy: ò... ó... ò! Vang cả khu nhà để đánh thức bạn dậy chuẩn bị đến trường, nhờ đó cu Tý chưa bao giờ muộn học.

Mèo con biết lỗi


  Một hôm mẹ bảo mèo con:
- Bắt đầu từ nay mẹ sẽ dạy con tập nhảy, tập chạy tập mài móng vuốt, thu mình bắt chuột, giúp ích cho người - Mèo con phụng phịu:

Chim sâu và bé


Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, bé ngồi trong nhà mà mồ hôi vẫn ướt bết cả tóc. Bỗng có chú chim sâu kêu chích... chích...! rồi bay vụt qua cửa sổ, sà xuống khu vườn nhà bé. Thấy thế, bé vội gọi bà:

Kiến kềnh mưu trí


Voi xám thật là to lớn. Bốn chân của nó  như bốn cột đình. Nó đến đâu là nỗi kinh hoàng cho cỏ cây hoa lá và cả bọn côn trùng nữa. Mỗi bước chân của nó có thể nghiền nát hàng trăm con kiến.
        Một hôm họ hàng nhà kiến bàn cách đối phó với voi nhưng tất cả đều bị tắc tị vì voi thì to như quả núi mà kiến lại bé như hạt bụi dưới đất.

Hai chú cào cào



         Đã lâu lắm rồi mới có một trận mưa to đến thế. Cơn mưa kéo dài gần hai tiếng đồng hồ mới tạnh. Không gian như sôi động hẳn lên. Cây cối hoa màu vừa được tắm mát trở nên xanh tươi mơn mởn. Các ao hồ bị cạn kiệt sau những ngày hè oi nồng thì giờ đây ngập tràn nước mát.

Gà cùng một mẹ


      Hai anh em nhà Trọi tía giống nhau như đúc. Chúng cùng có cặp giò to cao, màu chì, với đội cựa mập nhọn, trắng ngà. Còn bộ lông thì đỏ tía, pha đen loáng bóng, với cần cổ dài trụi lông đỏ au, cái đầu nghênh nghênh đầy tự mãn, ở trên đó có bộ mào nhỏ, hình răng cưa, đỏm dáng làm sao. Chỉ có mái mẹ mới phân biệt được con nào là anh, con nào là em.

Vịt bầu



Vịt bầu suốt ngày kêu “Mặc”... “Mặc”. Nó luôn kiêu hãnh bởi cái mỏ màu vàng, bộ lông óng mượt và thân hình bầu bĩnh. Nó tự thấy mình cao quý hơn người .
         Vịt bầu bĩu mỏ chê chị ngan:

Gà trống và cá chuối


Gà trống đang lang thang kiếm ăn trên bờ ao, chợt gặp cá chuối, cá chuối mau mắn cất lời:
         Chào bác gà trống. Gớm, hôm nay trông bác bảnh choẹ quá. Chắc bác vừa đi công chuyện gì về ?

Lời ru cho cháu


Ngủ đi bé bỏng của bà
Con chim gáy đã gù ba bốn lần
Chú vịt ngủ gật ngoài sân
Lim dim chuồn ớt tần ngần không bay .

À ơi... cháu ngủ cho say
Trang thơ còn đợi ở ngay đầu giường
Để bà viết tiếp yêu thương
Còn ghi lại những chặng đường đã qua .

...Cái cò nay chẳng la đà
Đã thành chim sắt bay qua nóc nhà
Cháo sung, cháo sắn đời bà
Búng cơm mớm ấy đã là... ngày xưa .

À ơi... cháu ngủ say chưa ?
Lời buồn ngày cũ gió đưa lên trời
Bà ru cháu những nụ cười
Một mai khôn lớn thành người nghĩa nhân !.

Lài Cài nhớ Bác


Nhà lưu niệm Bác trên đồi
Bồi hồi con theo lối nhỏ
Đêm qua có cơn giông gió
Lá như bướm đậu sân nhà


Nền đất vách tre mái lá
Bàn thờ đạm bạc hương hoa
Lài Cài xóm nghèo vất vả
Mà lòng chất phác thật thà

Cách mạng trong cơn nước lửa
Bác dừng chân xóm Đá Ong
Núi Con Trâu xưa còn đó
Tích giang một dải hiền hòa

Mười chín ngày đêm Bác ở
Lài Cài nghèo quá Bác ơi !
Cơm độn, muối vừng năm ấy
Còn thương đến tận bây giờ

Tình Bác mênh mông như biển
Hi sinh tất cả vì dân
Tổ quốc ngàn lần ghi nhớ
Chúng con noi gương Bác Hồ.


                                      Lã Văn Hương 

Vọng ước


Gió gọi gió qua miền thu chín
Lá rùng mình, bịn rịn... vàng rơi !
Nỗi niềm nào khi lá chơi vơi
Tàn một kiếp, nối đời trẻ mãi


Và nước chảy về đâu mê mải
Tháng năm đi, đá cũng vẹt mòn
Qua sông suối tìm về biển cả
Khát một lần góp sóng với đại dương

 Ai nhọc nhằn gom những yêu thương  
 Nuôi mơ ước hóa thân vào hạnh phúc
 Tàn tro ủ viên than trong lồng ngực
 Như màn đêm ấp nở một vừng hồng !
       

Em


Em
Một thời tóc mây hong gió
Em
Một thời... trái đỏ trên cành
Em
Một thời khát giấc mơ xanh

Em, giờ ngại trước gương ngắm mình
... Những vết chân chim mỗi ngày thêm nhánh
Mái tóc theo mây gió... mỏng manh!

Chỉ chạnh lòng thôi
Không buồn đâu anh
Ai chẳng thế
Chỉ một thời xuân sắc
Và trời đã cho chúng mình được gặp
Hai nửa... yêu thương
Hai nửa... sẻ chia
Gập ghềnh - đời, qua bất trắc nan nguy
Càng chiu chắt những gì đã có

Một chút chạnh lòng
Về một thời hoa đỏ
Cuối đường chiều
Hai nửa vẫn song đôi.
   

Chiếc lá


Xạc xào ngọn gió cuối đông
Bên hiên chiếc lá cuối cùng rụng rơi
Tìm về nguồn cội, lá ơi
Hóa thân vào đất nuôi chồi lên xanh

Bây giờ hoa trái ngọt lành
Vẫn nghe tiếng lá rời cành mà thương !

Giọng người ấm dải Đà Giang

Một sớm nghe tin Bác đến
Thăm trường lao động thanh niên
Vinh dự con được ghi tên
Nối dây máy truyền lời Bác.

Với niềm xúc động trào dâng
Thầy trò quây quần quanh Bác

Lời Người âm vang vách núi
Giọng Người ấm dải Đà Giang

Bác bảo: Trường mô hình mới
Thầy trò vừa học vừa làm
Tăng thêm sức người sức của
Chi viện chiến trường Miền Nam!...

Nhắc đến hai tiếng Miền Nam
Mắt Bác rưng rưng lệ tràn
(Nơi ấy đông bào, chiến sỹ
Ngày đêm gian khổ hy sinh)

Chiều thu Hoàn Kiếm

Hoàn Kiếm chiều
Tim tím sắc thu
Trời xanh quá!
Nước hồ trong xanh quá!

Nhành liễu rủ
Nhớ tóc ai buông xoã
Chiếc cầu cong như dải cầu vồng
Nối đôi bờ
Ai đợi, ai mong
Trong ráng đỏ, chiều phai sắc nắng
Tháp Rùa đứng trầm tư mơ mộng
Nhớ chuyện xưa: Gươm báu trả Rùa thần!....
Gió vờn trên Tháp Bút vang ngân
Bài lịch sử ngàn năm hào khí
Giữa Hà Nội, hồ như viên ngọc quý
Lá phổi xanh nuôi dưỡng khí trong lành
Gom vào lòng muôn sắc lung linh
Hồ vẫn thức
dón bình minh ngày mới!

Chào sông Đáy

Mươn mướt đôi bờ sông Đáy ơi!
Diều ai vi vút giữa chơi vơi
Xanh trời, xanh nước, xanh cây lá
Ruộng thấp đê cao gió lả lơi.



Thương nhớ bao mùa sông Đáy ơi!
Bến xưa một thuở tiễn chân tôi
Có người em gái miền quê ấy
Nghiêng nón trông theo mắt lệ rơi.

Quê nghèo sông chẳng được rong chơi
Nuôi mía chăm dâu giữa bãi bồi
Lòng chở nặng phù sa thẫm đỏ
Cho cây lúa trổ những mùa vui.

Thương lắm dòng sông nhỏ của tôi
Ngọt lành tôi tắm lúc chào đời
Sông cho hạt gạo nuôi tôi lớn
Là bến đợi cho người nhớ người.

                     Kính tặng Hội thơ Làng Chùa ngày 21/09/2008

Sóng lụa

Lách cách nhịp thoi đưa
Bàn tay ai dệt lụa
Nắng nhòm qua cửa sổ
Chiều ngơ ngẩn đường tơ.



Người con gái mộng mơ
Thả hồn theo sóng lụa
Những hoa văn rực rỡ
Em dệt tranh bốn mùa.
Vạn Phúc quê em đó
Nổi danh nghề tằm tơ
Lụa đã thành nỗi nhớ
Lụa đã vào cõi thơ.

Người con gái mộng mơ
Miệt mài bên sóng lụa
Có nghe ngoài song của
Ai thả chiều vào...tơ!

                                Tặng Kim Dung

Chọi trâu

Những chú trâu lành hiền, cần mẫn
Bạn của nhà nông
Sẻ chia việc nặng nhọc ruộng đồng
Chỉ nhận về mình ngọn cỏ ven sông

Khi nhà tản
Được nắm rơm nằm nhai bỏm bẻm
Ấy thế
Rồi một ngày trâu thành trò giải trí
Người ta luyện cho trâu hung hăng, đố kỵ
Ra đấu trường
Trâu "tỷ thí" với trâu
(Oán hận gì đâu mà phải húc nhau!)
...Cú "hổ lao" kẻ yếu ngã bổ nhào
Ngàn vạn tiếng rào rào cổ vũ...
Kẻ thắng thêm hăng
Bồi cú sừng...thủng cổ!...
Máu tràn tuôn nhuộm đỏ bãi cỏ xanh
Ôi! ánh mắt "Ông Trâu" trong giây phút tử - sinh
Như cầu khuẩn chút tình trắc ẩn
Nhưng
Chủ ngoảnh mặt
Vẻ không nhìn nhận
(Cái thứ thua - bại trận ai cần!)

....Kiệt sức rồi
Trâu gục xuống cỏ xanh
Nghe đất lành gọi trâu về vườn ruộng!....

                                 Kỉ niệm mùa chọi trâu 2010

Lặng thầm

Chợ phiên kẻ bán người mua
Em đi tìm nỗi thiếu - thừa riêng em.
Ngẩn ngơ đâu lạ đâu quen
Hỏi ai còn nhớ chữ "duyên" thuở nào?

Hoa dại

Một nhành hoa dại nở ven đường
Cánh mỏng lung linh giữa khói sương
Tím biếc màu hoa gieo nỗi nhớ
Xanh tươi sắc lá gợi niềm thương
Chẳng ham ôm ấp nơi bồn cảnh
Đâu ngại phơi thân chốn góc tường
Dẫu có dại - khôn hoa vẫn thế
Một đời dâng hiến trọn yêu thương!

Hoạ mi

Ngẩn ngơ!...chim quý ngự lồng son
Mỹ vị, cao lương - giọng có giòn?
Còn nhớ một thời - vươn cánh gió
Có mơ vạn thuở - vút đầu non.
Thôi đành lỡ bước, lòng ôm hận
Đâu biết sa chân, dạ héo hon
Vẫn hót mua vui - chiều ý chủ?
Hay ru giấc mộng đã hao mòn!

                                              Ngày 21-08-2011

Tự hào Hà Đông

Ai mang thơ thả dòng sông mộng
Để Nhuệ Giang chiều vương nhớ mong
Bồi hồi quê Lụa - Hạ Long
Câu thơ hay tiếng tơ lòng trao nhau.


Anh đưa em về thăm quê lụa
Để yêu hương sắc của Hà Đông
Se se gió thoảng hương đồng
Nôn nao nắng gọi, buâng khuâng xuân về.

Nơi xanh mát một dòng sông Nhuệ
Nghiêng nghiêng soi bóng những miền quê
Tài hoa Vạn Phúc làng nghề
Dệt nên gấm vóc say mê lòng người.

Yêu quê

Quê ơi con đã trở về
Để nghe gió hát ven đê rì rào
Để lòng lại thấy nao nao
Đi trong hương lúa xôn xao mùa vàng.


Xa quê từ thuở còn son
Cuộc đời bươn chải đã mòn gót chân
Tình quê vẫn chọn nghĩa nhân
Lời quê vẫn giữ ân cần thiết tha.
Cuội nguồn, tiên tổ, ông cha
Hai sương một nắng làm ra mùa màng
Từ trong rơm rạ mà sang
(Đói cơm rách áo - lang thang phận hèn).

Đám cưới chuột

Du xuân qua xứ "Đông Hồ"
Gặp đám cưới chuột bên bờ rau xanh.
...Chú rể dẫn trước, lanh chanh
Cưỡi con ngựa đỏ, áo xanh, mũ chuồn.

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm

Có một Thăng Long - Hà Nội
Ngàn năm tuổi vẫn thanh xuân
Đất thiêng, Hổ ngồi, Rồng cuộn
Ba Vì - Thánh địa Lạc Hồng

Tấm hình ngày cưới

Đây tấm hình ngày xưa
Em với anh
Bốn mươi năm
Mình lại gặp mình

Về lại trường xưa

Tôi về thăm lại mái trường xưa
Buâng khuâng theo bóng nắng ban trưa
Nghe lá "môi" rơi xào xạc gió
Ngỡ lời thu hát khúc giao mùa.

Giọt tình

Anh dìu em đi trong hạnh phúc
Đường tình yêu rạo rực sắc hoa
Áo nàng dâu sáng khoảng trời xa.

Nắng chiều

Chiều buông
Còn vương sắc nắng
Lắng đọng của ngày
Nồng nàn gạn chút men say
Gửi vào hoa lá, cỏ cây dâng đời
Mong manh giọt nắng chiều rơi
Vẫn còn da diết những lời mai sau.

                                Hà Đông
                           Đêm 04/09/2008

Thương vầng trăng khuyết

Đêm thu vằng vặc trăng trong
Chạnh lòng thương mảnh trăng cong cuối trời
Hao gầy năm tháng, mẹ ơi
Cho con da thịt thành người hôm nay
Một mình mẹ với canh chày
Chắt trong gan ruột, sữa này nuôi con!
Sương khuya trăng rụng đầu non
Lời ru có ánh trăng tròn dịu êm
Có giàn thiên lý bên thềm
Có đôi bươm bướm cánh tiên la đà
Có lời non nước, bao la
Có tình yêu với quê nhà thân thương...
Tuổi thơ con lạc trong hương
Khu vườn cổ tích còn vương cánh cò
Một đời lận đận âu lo
Mẹ là trăng khuyết để cho con tròn!

                           Kính tặng hương hồn mẹ
                              Hải Phòng 25/10/2006

Lễ vật ngày giỗ cha

Trở về quê nội hôm nay
Để con thắp nén hương ngày giỗ cha
Bao năm cha đã đi xa
Dâng hương con vẫn xót xa nỗi niềm:

Mưa giông

Oi nồng tích gió thành giông
Ì ầm sấm chớp
Lòng không vừa lòng
Ra vào "đá thúng đụng nong"
Tội tình chi! "cái thớt" nằm chẳng yên.
Đêm qua bão tố nổi lên
Mưa tuôn như thác từ trên thượng nguồn
Tưởng rằng nát một bến duyên!
Tưởng rằng tan một con thuyền, đắm sông!
"Một đêm mưa gió hãi hùng"
Giật mình tỉnh giữa tưng bừng cỏ hoa
Trời quang
Mây tạnh
 Chim ca!
Ô kìa! Giống tố đã qua hết rồi!
Nếu không bão nổi người ơi
Thì oi nồng biết đầy vơi chốn nào?

                             Hà Đông tháng 05/2007

Khoảnh khắc Đầm Long

Như sống lại thời thơ bé
Bơi thuyền con vịt trên hồ
Nắng mơ loang trên cỏ
Ba Vì xanh nguyên sơ.

Chiều quê

Hoàng hôn ai thả vào chiều
Còn vương ráng đỏ nhoà theo sắc ngày
Trông vời một cánh chim bay
Tìm về với tiếng gọi bầy - bình yên.

Cô bé mù trên phố

Cô bé mù
Lặng lẽ đi trên phố!
Đôi mắt vô hồn, tay quờ gậy gỗ
Dáng em gầy như mảnh lá khô
Giữa ban ngày sao bóng tối mịt mờ?

Về đâu em? Đơn côi, bé nhỏ
Có mái ấm nào che chở, chăm lo?
Chất độc da cam đã cướp mất cha
Để lại em, một kiếp mù loà!

Em đâu thấy trời xanh, hoa đỏ
Đâu biết cầu vồng bảy sắc nên thơ
Và nơi kia, biển rộng sóng nô đùa
...Đời em chỉ có bóng đêm bao phủ!

Đừng buồn nữa, em ơi đừng tuyệt vọng
Bởi quanh em còn có những tấm lòng
Những vòng tay nhân ái bao dung
Và mái trường dành cho em theo học.

Con chữ nổi diệu kỳ, em có biết?
Qua ngón tay trang đời sáng bừng lên
Kết nối em với bạn khắp mọi miền
Không lẻ loi, thế giới bên em!

                              Hà Đông 01/06/2006

Bến đợi

Người đi, đi mãi chưa trở lại
Mỏi mòn bến đợi đếm trăng rơi
Núi đổ bóng chiều trên xóm vắng
Ngỡ thuyền xưa đã cập bờ mong.

Dấu son lịch sử

Bóc tờ lịch cuối cùng - tháng Bảy
Chợt nghe lòng thầm gọi:"Hà Tây!"
Những gì vừa day dứt đâu đây
Hà Nội! - Hà Tây!

Kí ức mùa hè

Có một mùa hè cháy bỏng
Những cánh phượng hồng
Nắng sánh như mật ong
Rực vàng trên tán lá!

Sắc xuân

Nghe  tiếng mùa xuân gõ cửa phòng
Cả trời xuân sắc ghé vào thăm
Nồng nàn - quất đã khoe màu nắng
Chúm chím đào tơ - nụ thắm hồng.

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Giới thiệu tác giả Phạm Minh Tân


Họ và tên: Phạm Thị Tân
Bút danh : Minh Tân
Ngày sinh: 04-07-1945
Quê quán: Thành Phố Hải Phòng
Thường trú: Tổ dân phố II Văn Phú – Phường Phú La – Quận Hà Đông – TP. Hà Nội
Chuyên nghành: Kỹ sư điện tử
Những tác phẩm văn – thơ đã xuất bản:
- Tập thơ riêng:
o Nắng chiều : NXB Hội Nhà Văn -thời gian phát hành: Tháng 02 năm 2009
o Tiếng thầm: NXB Văn Học, thời gian phát hành: Tháng 11 năm 2011
- Thơ đoạt giải B liên hoan trình diễn các tác phẩm thơ, tổ chức tại Hạ Long – Quảng Ninh, tháng 04 năm 2011. Bài “Tự hào Hà Đông”
- Thơ vào chung khảo cuộc thi: Ngàn năm Thăng Long Hà Nội – NXB Lao Động, bài thơ “Thăng Long – Hà Nội ngàn năm” in trong tập chuyển chọn 100 bài: “ Thế Rồng bay”.
- Văn: Bài viết: “Người thày đã hết lòng với vùng sâu Hoà Bình” – là một trong 93 bài được vào chung khảo, in trong tập sách “Tôn sư trọng đạo” NXB Giáo Dục Việt Nam – Tháng 11 năm 2012
- Nhiều thơ, văn truyện thiếu nhu được in trên các báo, tạp chí, tỉnh thành, trung ương
- Khen thưởng:
o Chiến sĩ thi đua nghành bưu điện truyền thanh
o Huân chương kháng chiến hạnh III (1972)
o Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát thanh truyền hình Việt Nam
o Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
- Bài thơ “Lời du cho cháu” – Nguyễn Thắng phổ nhạc được giới thiệu trong album Bài Hát Việt – 2012.

Chiều quê


Về cùng hương sắc Hà Đông


Ảnh hoạt động



Ảnh gia đình